Hòn Nghệ là một trong những hòn đảo xinh đẹp có sức quyến rũ kỳ lạ của Vịnh Hà Tiên (Kiên Giang). Từ những bãi đá hoang dã cùng sóng biển xanh trong tạo nên bức tranh êm đềm với nhiều lồng bè nuôi cá bồng bềnh trên biển khơi.
Đảo Hòn Nghệ nằm trong vịnh Thái Lan,thuộc xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Trên hải đồ của người Pháp trước đây, đảo hòn Nghệ được gọi là Pôlô-Te-kere, nằm cách mũi Hòn Chông khoảng 15km và cách thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) về phía Tây Nam khoảng 24 km theo đường chim bay. Theo tài liệu về thổ nhưỡng học của người Pháp, hòn đảo này vốn được giới "phượt" mệnh danh là "thiên đường hình bầu dục" (vì có hình bầu dục trên bản đồ) được tạo thành bởi đá sa thạch, có đỉnh cao hơn 300m.
Về xuất xứ cái tên “Hòn Nghệ”, nhiều bậc cao niên trên đảo không ai biết tường tận mà chỉ mang máng nhớ rằng, trước đây trên đảo có rất nhiều sặt, một loại cây gần giống cây lau nhưng thân to, lại đặc ruột, mọc ở triền núi, dân trên đảo thường lấy sặt để đan tấm che sạp thuyền hoặc làm vách nhà. Do sắc vàng đặc trưng như củ nghệ của cây sặt phủ kín cả đảo nên dân đi biển lấy tên "Nghệ" để định danh cho hòn đảo này. Đến bây giờ, dù cây sặt không còn nhiều như xưa, nhưng cứ đến mùa Đông, từ trên đỉnh núi cao, người ta vẫn có thể chiêm ngưỡng từng mảng màu vàng nghệ len theo những mỏm đá trắng, hòa với màu xanh của biển, của rừng, góc nhìn nào cũng như một bức tranh thủy mặc.
Trước đây, Hòn Nghệ vô cùng hoang vắng, chỉ có một vài hộ dân vì một lý do đặc biệt nào đó vượt biển ra sống bằng nghề đánh bắt cá. Nhưng bây giờ đảo đã có hơn 2.000 dân, sống ở hai ấp Bãi Nam và Bãi Chướng. Ngoài thế mạnh về đánh bắt và nuôi trồng thủy - hải sản, xã Hòn Nghệ còn có tiềm năng khác cần được đầu tư khai thác trong thời gian tới, đó là phát triển du lịch. Nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh vật yên tĩnh, đặc biệt là hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng... hầu hết đều còn hoang sơ thiên tạo với nhiều nét độc đáo riêng.
Những phong cảnh quyến rũ nhất ở Hòn Nghệ tập trung ở núi Lầu Chuông, nơi có bức tượng Phật Bà khổng lồ trong tư thế uy nghi, tự tại được xây dựng vào năm 1974. Với chiều cao 20m, tượng Phật Bà như một ngọn hải đăng định hướng cho những con tàu. Gần bức tượng có hòn đá Chum kỳ lạ. Chỉ cần dùng một hòn đá nhỏ gõ vào sẽ vang lên những âm thanh ngân nga như tiếng chuông chùa. Theo người dân Hòn Nghệ, có rất nhiều hòn đá khác ở hòn đảo này cũng có đặc tính như vậy.
Đường lên núi Lầu Chuông phải leo hàng trăm bậc đá ngoằn nghèo, hiểm trở, quanh co, lúc lên cao, khi xuống thấp. Trên đường đi, bên trái vách núi là một quần thể các vị La Hán bằng đá trắng được tạo dáng rất công phu, cầu kỳ và tinh xảo nhưng vẫn toát lên vẻ thanh thoát. Tọa lạc trên đỉnh Lầu Chuông là ngôi cổ tự mang tên Liên Tôn, có cây bồ đề cành lá sum suê sừng sững mọc giữa sân chùa. Theo lời Đại đức Thích Minh Thuận, trụ trì của ngôi chùa thì năm 1932, sư cô Diệu Thiên từ Cà Mau đến phát hoang, lập bàn thờ trong hang đá và theo thời gian, chùa có hình hài như ngày hôm nay. Điều đặc biệt của ngôi chùa Liên Tôn là ở chỗ, toàn bộ kiến trúc cấu thành nó nằm trong lòng hang sâu rộng, thâm u, u tịch thuận lợi cho việc tĩnh tâm tu hành, nhưng quanh năm vẫn tràn ngập ánh sáng nhờ những cửa hang được mở ra nhiều hướng từ trên cao.
Không chỉ có hang đá, nơi chùa Liên Tôn tọa lạc là vùng địa chất đá vôi, Hòn Nghệ được thiên nhiên xâm thực, tạo nên nhiều hang động kỳ vĩ. Riêng trên núi Lầu Chuông cũng có rất nhiều hang động mà đường đến hang nào cũng phải vượt qua nhiều vách đá tai mèo sắc nhọn như những bàn chông. Những con đường hiểm trở với những gành đá len theo vực sâu, núi cao, quả là có làm phiền lòng những người lớn tuổi, nhưng lại rất hấp dẫn với người trẻ tuổi muốn tìm cảm giác mạnh, muốn khám phá thiên nhiên.
Từ đỉnh Lầu Chuông, trèo xuống mạn sườn núi phía Bắc rồi vượt qua một vách đá thẳng đứng, là đến hang Gia Long. Ngay trước cửa hang là khối đá lớn mang hình một chú voi như người giữ cửa, bảo vệ vị vua trên đường kinh lý đã ghé lại nơi đây. Trên vách đá trong hang vẫn còn dấu triện của vua Gia Long thời đó với những nét hoa văn tạo nên hình một con rồng, cùng những hàng chữ nho còn rất rõ. Điều kỳ lạ, là dấu triện này ngày như càng lớn hơn do sự nở của đá. Hang Gia Long còn có một lối thông ra biển. Mỗi vách đá trên đường đi đều ghi dấu thời kỳ biển tiến, biển lùi từ hàng ngàn năm qua.
Cùng với những gì mà thiên nhiên ban tặng, làng nuôi cá lồng bè trên đảo Hòn Nghệ cũng góp thêm vào phong cảnh non nước hữu tình, tạo cho hòn đảo này một nét quyến rũ riêng.
Hòn Nghệ có nhiều món quà ngon nổi tiếng, trong đó phải kể đến là chả trứng cá ngát mùi béo ngậy, mực nướng vừa thổi vừa nhai, còn tôm tích luộc thì ăn tới đâu ngọt lịm tới đó. Hấp dẫn nhất là ốc nướng chao và vọp nướng mỡ hành, chấm muối tiêu chanh. Bình minh trên biển Hòn Nghệ đẹp thanh bình, tàu ghe đánh cá nườm nợp tới lui mua bán thủy hải sản trên biển. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng người gọi nhau ơi ới tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, huyên náo đầy sức sống.
Ai đến Hòn Nghệ một lần chắc sẽ muốn quay lại vì sức quyến rũ của đảo Hòn Nghệ với khí hậu thật trong lành, mát mẻ, cảnh vật yên tĩnh, đặc biệt là hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng… Và hầu hết đều còn hoang sơ với nhiều nét độc đáo riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét